Miyota Citizen: Máy đồng hồ Nhật Bản xứng tầm thế giới
Bộ máy được ví như linh hồn của chiếc đồng hồ. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu đồng hồ trên thế giới đều không tự sản xuất máy mà phải đi mua máy hoặc linh kiện từ các hãng khác.
Nếu trước đây, nói đến máy đồng hồ, người ta chỉ biết đến cái tên ETA, Soprod, Sellita, Ronda,… của Thụy Sĩ, thì nay, Miyota của Citizen Nhật Bản cũng có độ phủ không thua kém.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn cả trăm năm nhưng cái tên Miyota đã đứng cạnh những thương hiệu trứ danh và trở thành loại máy đồng hồ tầm trung được ưa chuộng hàng đầu thế giới. Vậy, lí do nào đã tạo cho Miyota vị thế đó?
1. Chiến lược thông minh chinh phục người dùng
Trong làng đồng hồ, Thụy Sĩ được biết đến như cái nôi của ngành công nghiệp chế tác. Nơi đây có các tập đoàn đồng hồ hùng mạnh chiếm lĩnh cả thị trường. Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi khi các nhà sản xuất Nhật Bản bước vào cuộc chơi. Cái tên đáng gờm nhất, phải kể đến Citizen với bộ máy Miyota của hãng.
Năm 1959, tập đoàn Citizen quyết định tách nhà máy sản xuất máy đồng hồ Miyota thành công ty con hoạt động độc lập. Miyota chịu trách nhiệm cung cấp máy cho Citizen và sản xuất máy đồng hồ cho bên thứ 3.

Nhà máy Miyota đặt tại 6-1-12, Tanashi-cho, Nishi-Tokyo-shi, Tokyo, Nhật Bản
Nếu máy Thụy Sĩ hướng đến phân khúc cao cấp thì máy Nhật, cụ thể là Miyota lại chiến lược “đánh” vào phân khúc tầm trung. Cho đến trước khi cuộc khủng hoảng đồng hồ cơ diễn ra, Thụy Sĩ vẫn giữ quan điểm không xuất khẩu máy đồng hồ. Trong khi, Miyota đã đi trước một bước.
Giải thích cho điều này, có lẽ Thụy Sĩ muốn tập trung giữ vị trí độc tôn của mình trong phân khúc cao cấp với những cỗ máy phức tạp. Nhưng rõ ràng, họ đã bỏ qua thị phần trung cấp quá rộng lớn. Và Miyota đã kịp thời nắm bắt cơ hội này.

Máy Miyota phức tạp cũng chỉ dừng lại ở khoảng 100 chi tiết
Giảm thiểu chi tiết không cần thiết, tối ưu chi phí sản xuất, đa dạng hóa loại máy, tập trung vào chất lượng bền bỉ, giá thành rẻ hơn nhiều so với máy Thụy Sĩ – đó là cách Citizen nắm bắt nhu cầu khách hàng và đưa Miyota ra bao phủ thế giới.
2. Chủng loại máy đa dạng
Ngoài những máy cung cấp riêng cho đồng hồ Citizen, tính đến hiện nay Miyota đã nghiên cứu và cho ra đời hơn 200 loại máy khác nhau từ đơn giản cho đến phức tạp. Chúng được chia làm 4 nhóm chính:
- Dòng máy thể thao (Chronograph)
- Dòng máy đa chức năng (Multi-Function)
- Dòng máy cơ bản và mỏng (Basic & Slim)
- Dòng máy cơ khí (Mechanical)

Bên trong nhà máy Miyota
Mỗi dòng máy lại chia thành các đời máy và phiên bản nâng cấp khác nhau. Miyota không nhấn mạnh vào thiết kế hay cấu trúc phức tạp như Thụy sĩ. Cỗ máy Nhật này tập trung phát triển tính năng phục vụ nhu cầu người dùng: lịch thứ – ngày – tháng, lịch tuần trăng, chronograph, retrograde,…
Tuy vậy, hàng năm, thậm chí hàng tháng, hãng vẫn tiếp tục giới thiệu loại máy mới. Không chỉ đáp ứng nhu cầu người dùng, đó còn là cách Miyota tham vọng tạo nên bộ sưu tập máy đồng hồ lớn nhất thế giới và khuyến khích những người thợ chế tác của họ không ngừng sáng tạo.

Những công đoạn thủ công đòi hỏi công nhân có nghề cao
3. Chất lượng không cần bàn cãi
Trong “nội bộ” Miyota, các loại máy cũng có xếp hạng chất lượng khác nhau. Nhưng tựu chung, chúng đều nổi tiếng nhờ sự chính xác, bền bỉ và dễ sửa chữa.
Các thông số cơ bản của máy cơ (các dòng 8000, 6T): tần số dao động 21.600 VBH, 21 chân kính, sai số từ -20 đến +40/ngày, trữ cót từ 30-42 giờ. Tuy nhiên, khá ít máy cơ Miyota được trang bị chức năng Handwinding và Hacking Stop.

Chất lượng của máy Miyota có thể gói trong 2 từ: chính xác và bền bỉ
Thế mạnh của Miyota đồng đều ở máy cơ và máy quartz. Máy quartz cấu trúc gọn gàng, sai số chỉ 0,5 giây/ngày, tuổi thọ pin từ 2-5 năm. Đặc biệt có 4 dòng 1L60, 2S60, 2S65 có tuổi thọ pin lên đến 10 năm. Pin đồng hồ do Sony, Maxell, Panasonic cung cấp, đạt của têu chuẩn EU đề ra về vấn đề sử dụng, tái chế và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta cho rằng Citizen chỉ có những bộ máy “nồi đồng cối đá”. Máy đồng hồ Citizen cũng có những thiết kế máy Slim mỏng gọn, thẩm mĩ và độ hoàn thiện cao. Chúng thường dùng cho các dòng đồng hồ Skeleton, Open Heart, lộ cơ mặt đáy (90S5, 8N40, 8N24, 82D7, 82S7, 82S5, 82S0, 6T28).

Máy Miyota Cal. 82S0-21A
Chính chất lượng giữ vai trò cốt yếu trong việc đưa Miyota bao phủ rộng khắp thế giới, phổ biến tại châu Á, chinh phục những thị trường khó tính như EU. Đối tác của Citizen có thể kể đến Sevenfriday, Bulova, Orient, OP, Camel, Festina. Miyota có mặt ở các triển lãm đồng hồ nổi tiếng như Basel World, HongKong Watch & Clock Fair, The China Watch & Clock Fair,…
4. Cạnh tranh trực tiếp với ETA Thụy Sĩ
Từ trước tới nay, ETA được biết đến với vị trí “độc tôn” trong sản xuất máy và linh kiện đồng hồ lớn nhất thế giới. Ở dòng máy cơ, khó có cái tên nào có thể qua mặt ETA về cả chất lượng và số lượng.
Nhưng đến khi Miyota 9015 ra đời, ETA đã phải dè chừng Citizen. Máy 9015 được coi như đối thủ trực tiếp cạnh trạnh thị phần với cỗ máy nổi tiếng của ETA – 2824.
Cal. 9015 có tần số 28.800 VBH, ráp 24 chân kính, thời gian trữ cót lên tới 42 giờ, sai số từ -10 đến +30 giây/ngày. Máy có tích hợp chức năng Handwinding và Hacking Stop
Điểm trừ của Cal. 9015 so với các đời ETA 28XX nằm ở tiếng ồn của roto khi vận hành.

Một phần góc máy Miyota Cal. 9015
Năm 2010, ETA dừng cung cấp linh kiện đồng hồ cho các đối tác không thuộc công ty mẹ Swatch thì Cal. 9015 càng được sử dụng rộng rãi hơn. Nhiều nhà sản xuất chuyển sang sử dụng máy Miyota, không phải chỉ vì giá thành thấp hơn mà bởi Miyota đã chứng minh được chất lượng không kém cạnh và ngày một tốt hơn của mình.
5. Những cỗ máy nổi tiếng
Cal. 2035: Cỗ máy quartz đầu tiên làm nên tên tuổi của Miyota trên trường quốc tế. Sau 2035, Miyota cho ra đời thêm 2105 và 2115. Series 2000 này đã có tuổi thọ 35 năm, chúng vẫn được tin dùng cho đến ngày nay.

Cal. 8215: cung cấp cho máy cơ ở phân khúc cơ bản, tầm trung. Các hãng sử dụng 8215 bao gồm có Bernhardt Watche, Camel, Citizen, Dugena, Festina, Jacques Lemans, Kyboe, Invicta, Lip, Laco và Perseo.
Cal. 9015: sử dụng trong dòng máy cơ cao cấp, cạnh tranh với seris 28XX ETA Thụy Sĩ.
Cal. 82SX (82S0, 82S5, 82S7): tương đương các dòng máy 41XX có trên đồng hồ Citizen máy cơ thuộc phân khúc lộ máy cao cấp.

Cỗ máy Miyota Cal. 8215 phiên bản màu vàng
Rõ ràng, với tham vọng “thôn tính” thế giới đồng hồ, Citizen đã có bước đi đúng đắn khi tách Miyota hoạt động độc lập và xuất khẩu linh kiện, máy móc ra toàn thế giới.
Sau những cuộc khủng hoảng, nhiều nhà sản xuất không đủ tiềm lực để tự sản xuất máy đồng hồ thì vị thế của các nhà sản xuất chuyên nghiệp như Miyota càng được nâng cao. Miyota đã “ghi điểm” trong lòng người dùng bởi sự đa dạng, chất lượng và giá cả thì vô cùng phải chăng. Dựa vào những bước đà mạnh và xu hướng phát triển, không khó để dự đoán rằng vị thế của Miyota chắc chắn sẽ còn tiến cao hơn nữa.